Năng lượng tái tạo trên biển (Ảnh minh họa 1)
Công ty Cổ phần Tái tạo Năng lượng Bến Tre đã được UBND tỉnh Bến Tre chấp thuận việc đầu tư xây dựng Nhà máy Điện gió Bến Tre V1-3 với tổng số vốn đầu tư hơn 4,000 tỷ đồng. Đây là Nhà máy điện gió ngoài khơi với tổng công suất lên tới 110MW đặt tại Huyện Ba Tri, Tỉnh Bến Tre, Việt Nam. Nhà máy khi đưa vào vận hành thương mại không chỉ giúp Chính phủ đạt được công suất điện gió mức 2000MW vào năm 2025 mà còn hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang ngành năng lượng phát thải thấp.
Lần đầu tiên tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, Công ty Cổ phần Kỹ thuật SIGMA đã chứng minh được năng lực của mình bằng việc trúng hợp đồng tổng thầu Giai đoạn 1 Dự án Nhà máy điện gió Bến Tre V1-3. Giai đoạn này bao gồm 07 tuabin ngoài khơi với công suất 30MW. Các tuabin sẽ được kết nối về trạm biến áp 110KV thông qua tuyến cáp ngầm dưới biển 22KV dài 15km và hòa vào lưới điện quốc gia bằng 11km đường dây 110KV. Giai đoạn 1 của Nhà máy được dự kiến sẽ vận hành thương mại trong sáu tháng đầu năm 2021.
Năng lượng tái tạo trên biển (Ảnh minh họa 2)
Hợp đồng này đã đánh dấu bước ngoặt phát triển của Công ty Cổ phần Kỹ thuật SIGMA khi là một trong số ít Tổng thầu EPC Việt Nam trong lĩnh vực thi công xây dựng nhà máy điện gió tại Việt Nam. Kể từ đây, việc xây dựng các nhà máy điện gió không còn phụ thuộc hoàn toàn vào các tổng thầu EPC nước ngoài, mà thay vào đó Công ty Cổ phần Kỹ thuật SIGMA sẽ cung cấp các dịch vụ với mức chi phí cạnh tranh hơn, sự linh hoạt hơn và mức tin cậy lớn hơn.
Với lợi thế hơn 3000km đường biển và vị trí nằm trong vùng khí hậu gió mùa, Việt Nam được kỳ vọng có ưu thế phát triển nguồn năng lượng gió. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam có tốc độ gió lớn hơn 6m/s ở độ cao 65m, tương đương với tổng công suất 513,360MW, trong khi tổng công suất lắp đặt tính đến cuối năm 2018 mới chỉ đạt 228MW. Đây là con số vô cùng khiêm tốn so với tiềm năng của đất nước cũng như so với các nước đang phát triển trên thế giới.